Robot chữa cháy hình dáng nhỏ gọn, đi sâu vào hẻm nhỏ – những nơi cảnh sát không thể tới, do nhóm khởi nghiệp tại TP HCM chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa 80%.
Nhóm dự án robot chữa cháy có tên Alta Robotics gồm 8 thành viên nghiên cứu, trong đó có 5 người thiết kế phần cứng, 3 người làm phần mềm.
Anh Hoàng Minh Anh Tài, trưởng nhóm dự án cho biết, ở TP HCM có nhiều hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo nên khi xảy ra hỏa hoạn, cảnh sát phòng cháy chữa cháy khó tiếp cận. Với những khu vực cháy phát sinh khí độc gây nguy hiểm cho người chữa cháy nên cần có robot thực hiện việc này. Từ thực tế này, năm 2018 nhóm bắt đầu nghiên cứu sản phẩm.
Trong thời gian này, nhóm thiết kế cơ cấu cơ khí, bo mạch, chương trình điều khiển… để hoàn thiện robot, tỷ lệ nội địa hóa 80%. Riêng camera, họng phun nước… được nhập khẩu. Phiên bản hoàn thiện nhất có tên FFR-1 được nhóm thử nghiệm vào tháng 10/2020.
Robot được thiết kế với trọng lượng 250 kg, hình dạng nguyên khối, di chuyển bằng hệ thống bánh xích cao su giúp dễ dàng hoạt động trong điều kiện địa hình phức tạp. Họng phun nước được gắn trên thân robot với phạm vi phun tối đa 60 m, có thể linh hoạt thay đổi góc phun từ 30 đến 70 độ. Để đảm bảo an toàn cho các thiết bị bên trong, sản phẩm có hệ thống làm mát bằng vòi phun 360 độ và khả năng chịu nhiệt 300 độ C.
Robot sử dụng 2 động cơ điện, công suất 1.000 W, vận tốc chạy tối đa 5 km mỗi giờ, hoạt động trong 3 – 5 giờ và khả năng quay 360 độ tại chỗ. Thân robot được bố trí camera hồng ngoại xoay 360 độ giúp người sử dụng quan sát được hiện trường cháy và hai đèn pha gắn trước đầu giúp thuận tiện quan sát toàn khu vực. Robot chữa cháy được điều khiển và kết nối hình ảnh từ camera tới điện thoại thông minh ở khoảng cách hơn 100 m, giúp người dùng ở vị trí an toàn nhưng vẫn chủ động trong cứu hỏa.
Theo anh Tài, ngoài hỗ trợ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, robot còn có thể sử dụng tại các xưởng kho bãi, trung tâm thương mại, hầm xe chung cư… để cứu hỏa khi xảy ra sự cố. Với tỷ lệ nội địa hóa cao, nhiều linh kiện thiết bị được sản xuất trong nước nên nhóm tự tin sản phẩm có thể chủ động trong việc nâng cấp, tích hợp các tính năng mới cho robot.
Giá thành dự kiến sản phẩm khoảng 1 tỷ đồng. Nhóm đang hoàn thiện các thủ tục tiến hành kiểm định đáp ứng các tiêu chuẩn của thiết bị phòng cháy chữa cháy với sản phẩm này trước khi thương mại hóa. Ngoài ra, nhóm dự kiến phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp robot có thể tự động di chuyển theo điều kiện đặc thù đường sá khác nhau.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung TP HCM đánh giá, sản phẩm hội tụ các công nghệ tiên tiến trên thế giới, được nhóm phát triển, chuyển hóa phù hợp với điều kiện địa hình, đường sá tại Việt Nam.
“TP HCM là đô thị đông đúc, các con hẻm thường chật hẹp nên cứu hỏa rất khó khăn. Sản phẩm này rất phù hợp để phát triển trong nước và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong việc thử nghiệm, kết nối các đối tác phát triển sản phẩm ra thị trường”, ông Long nói và cho biết dự án công nghệ robotics mới đặt văn phòng làm việc tại Khu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (QTSC R&D Labs), Công viên phần mềm Quang Trung TPHCM.