Kim Gi-hwan lập nhóm Jijonpa gồm các cựu tù và công nhân thất nghiệp, đòi trừng phạt người giàu bằng thủ đoạn tàn độc.
Tối 16/9/1994, Lee Jeong-su, nữ nhân viên quán cà phê, trông rũ rượi, hoảng loạn, cánh tay đầy vết xước và quần áo rách toạc, đi cùng đồng nghiệp đến đồn cảnh sát. Cô nói vừa trốn thoát khỏi nhóm tội phạm có vũ trang.
Jeong-su kể về những vụ bắt cóc, giết người, một phòng giam dưới tầng hầm đẫm máu. Câu chuyện gây sốc khiến cảnh sát nghĩ cô đang phê ma túy. Họ kiểm tra vết kim tiêm trên người cô nhưng không thấy.
Khi Jeong-su nói đến cặp vợ chồng trung niên bị bắt cóc gần Seoul và bị sát hại trong phòng giam dưới tầng hầm, cảnh sát nhận ra cô biết chi tiết chưa hề được công bố cho báo chí, điều đó có nghĩa đang nói sự thật.
Qua điều tra, những tội ác của băng nhóm Jijonpa được hé lộ.
Jijonpa, hay Jijon Family, là nhóm tội phạm do Kim Gi-hwan làm thủ lĩnh với 6 cựu tù và công nhân thất nghiệp, cùng mang thù hận với người giàu. Jijonpa là tên các công tố viên gọi chúng, viết theo chữ Hán là “Chí Tôn Phái”. Tên ban đầu Gi-hwan đặt là Mascan – một từ không có nghĩa.
Hè 1993, khi cùng sinh viên Kim Hyun-yang (22 tuổi) và cựu tù Moon Sang-rok (23 tuổi) chơi bài, Kim Gi-hwan (27 tuổi) bày tỏ căm ghét người giàu, nói muốn trừng phạt họ sau khi xem một bản tin về nạn tham nhũng trong các kỳ thi đại học.
Trong quá khứ, Gi-hwan phải bỏ học từ lớp 7 vì nhà nghèo. Ở tuổi thiếu niên, Gi-Hwan làm lao động chân tay trong các nhà máy ở Seoul và Busan.
Suy nghĩ của Gi-hwan được hưởng ứng. Cả ba đồng ý thành lập băng nhóm với ba “tôn chỉ”: Căm thù người giàu; Kẻ phản bội phải bị giết; Đừng bao giờ tin tưởng phụ nữ.
Mục tiêu của Jijonpa là tích lũy tổng cộng một tỷ won, tương đương 1,25 triệu USD vào thời điểm đó, thông qua bắt cóc và tống tiền.
Trong vài tuần tiếp theo, chúng lôi kéo những người lao động nghèo khó khác ở công trường xây dựng. Sang-rok thuyết phục được hai kẻ có tiền án trộm cướp là Baek Byung-ok (20 tuổi) và Kang Dong-un (21 tuổi) nhập hội. Kang Moon-sub (20 tuổi) và Song Bong-un (18 tuổi) là hai kẻ cuối cùng gia nhập.
Gi-hwan yêu cầu các đàn em góp tiền mua vũ khí ở chợ đen. Sau nhiều tháng, chúng mua được 6 khẩu súng trường, một súng tiểu liên, một súng hơi, một súng lục, một thanh kiếm, một con dao săn, một gậy kích điện gia súc và thuốc nổ. Số tiền còn lại được dùng để mua vài chiếc ôtô cũ, bộ đàm. Nơi ẩn náu cho cả nhóm là ngôi nhà biệt lập màu hồng, vốn là tài sản thừa kế của một trong các thành viên. Để che giấu nạn nhân, chúng còn xây ba phòng giam bằng bê tông dưới tầng hầm.
Gi-hwan và những thành viên có kinh nghiệm hơn tổ chức các buổi đào tạo xử lý chất nổ và bắt cóc cho nhóm. Đến tháng 7/1993, chúng bắt đầu tìm kiếm nạn nhân đầu tiên.
Thiếu nữ Choi Mi-ja, 20 tuổi, bị nhóm tội phạm để mắt đến khi đang đi bộ dưới cầu xe lửa ở thị trấn Nonsan, cách nơi ẩn náu hơn 90 km về phía bắc, vào 23h ngày 18/7/1993.
Jijonpa coi đây là “diễn tập” vì nạn nhân là con gái nhà nông. Thi thể Mi-ja bị chôn trong ngôi mộ nông, sau đó được một dân làng phát hiện khi cắt cỏ. Cảnh sát không tìm thấy nghi phạm hay động cơ gây án cho đến khi Jijonpa bị bắt và thú nhận tội ác.
Cuối hè 1993, Song Bong-un bỗng biến mất. Kẻ ít tuổi nhất trong nhóm giữ vai trò thủ quỹ và đã chạy trốn với 3 triệu won.
Suốt một tuần đầu tháng 8, Jijonpa tìm kiếm Bong-un khắp các thị trấn gần đó, cuối cùng phát hiện kẻ phản bội đang trốn tại nhà một người họ hàng không xa nơi ẩn náu. Jijonpa kéo Bong-un đến khu rừng hẻo lánh gần chân núi và xử tử.
Trong nửa cuối 1993 và nửa đầu 1994, Jijonpa im hơi lặng tiếng. Đến tháng 6/1994, cảnh sát đến tìm Gi-hwan vì cáo buộc cưỡng hiếp một thiếu nữ là cháu họ của bạn học cũ vào ngày 17/6/1993, không lâu trước vụ giết người đầu tiên. Gi-hwan bị kết án 5 năm tù.
Dong-un lên nắm quyền chỉ đạo, thường xuyên đến nhà tù để nhận chỉ thị từ Gi-hwan. Từ phòng giam, hắn ra lệnh cho Jijonpa bắt đầu chuỗi tội ác.
Quá nửa đêm 8/9/1994, Lee Jeong-su, nhân viên phục vụ quán cà phê 27 tuổi, tan làm trở về căn hộ ở Seoul. Khi chuẩn bị đi ngủ, cô bỗng nhận được cuộc gọi từ bạn trai là nhạc sĩ thường biểu diễn ở quán cà phê. Anh mời cô đi uống với một số người bạn chung tại một nhà hàng ven sông ở phía đông Seoul. Anh đón cô bằng chiếc Hyundai Grandeur.
Jijonpa đã cắm chốt tại các nhà nghỉ ở phía đông Seoul, sau khi được biết rằng nhiều cặp đôi giàu có thường đến đây cho các cuộc hẹn lãng mạn. Chiếc Hyundai Grandeur khá xa xỉ thu hút sự chú ý của chúng và bị bám đuôi.
3h sáng 8/9, trên con đường quê tối tăm, xe của cặp đôi thình lình bị chặn hai đầu, một nhóm đàn ông bao vây chiếc Huyndai và tấn công.
Cặp đôi bị trói, bịt miệng và bịt mắt, nhét vào sau xe tải, đưa về nơi trú ẩn và nhốt trong phòng giam. Sau khi thẩm vấn, chúng phát hiện cả hai không có nhiều tiền, nhưng không đồng ý tha. Cả nhóm thay nhau làm nhục Jeong-su và dụ cô gia nhập để được tha mạng. Người bạn trai đi cũng bị chúng bắt uống rượu, tra tấn khiến ngạt thở.
Chúng đưa thi thể lên núi, cố tình để lại vết trượt trên đường để trông như xe bị mất lái; đặt thi thể vào ghế lái và đẩy chiếc Hyundai xuống vách đá. Khi mảnh vỡ được tìm thấy vào ngày hôm sau, cảnh sát coi đây là tai nạn vì nồng độ cồn trong máu nạn nhân rất cao.
Jijonpa kết nạp hai thành viên mới là Kang Moon-sub (20 tuổi) và Lee Kyung-sook (23 tuổi), bạn gái của Dong-un. Để không phải phi tang xác, tránh bị truy ra dấu vết, Jijonpa tạo lò đốt rác tự chế dưới tầng hầm.
Ngày 13/9, ông So, chủ nhà máy ở Ulsan, cùng vợ là bà Park trở về Seoul để cúng tổ tiên. Chiếc Hyundai Grandeur của họ bị Jijonpa theo dõi đến nghĩa trang Namseoul ở phía đông Seoul.
Jeong-su bị ép đi theo nhóm. Cô cố gắng ra hiệu cho cặp vợ chồng khi họ đi ngang qua nhưng không thành công. Jeong-su bị dọa giết nếu dám phản bội. Chúng tự nhận là một phần của mạng lưới bắt cóc quy mô lớn, có tai mắt ở mọi thành phố, bao gồm cả cảnh sát, có thể tìm thấy cô bất kể cô chạy đến đâu.
Hyun-yang tiếp cận ông So, rút dao tấn công trong khi những kẻ khác nhanh chóng khống chế bà Park, kéo vào ôtô. Cả nhóm đánh đập dã man ông So, sau đó trói nạn nhân và tống vào xe. Chúng mất 12 tiếng đồng hồ len lỏi qua các con đường nhỏ để tránh trạm kiểm soát của cảnh sát mới về đến nơi ẩn náu.
Jijonpa đòi ông So 100 triệu won tiền mặt nếu muốn sống sót, ông xin giảm xuống 80 triệu won vì đó là con số còn lại trong tài khoản của công ty. Chúng đưa ông đến một bốt điện thoại công cộng, bảo gọi cho quản lý gom tiền. Tại điểm hẹn là bến xe buýt Gwangcheon, ông So nhận tiền rồi lén nói nhỏ “tôi bị bắt cóc” khi ra khỏi xe.
Quản lý quay về báo cảnh sát ở Ulsan, được cho biết rằng phải trình báo vụ việc tại nơi diễn ra giao dịch. Viên quản lý lại mất hàng giờ lái xe trở lại Gwangcheon, sau đó bị cảnh sát nghi ngờ bịa chuyện để che đậy vấn đề tài chính của nhà máy.
Lấy được tiền chuộc, Jijonpa lật lọng, bắt Jeong-su bắn súng hơi vào đầu ông So. Sau đó chúng sát hại bà Park. Khi phi tang xác trong lò đốt, để che đậy mùi và khói, chúng tổ chức tiệc BBQ trước cửa nhà.
Sau khi ăn mừng kiếm được 80 triệu won, Jijonpa lập kế hoạch lớn hơn. Chúng hối lộ một nhân viên tại cửa hàng Hyundai ở Seoul để mua danh sách gửi thư của họ. Đây là danh sách 1.200 người chi tiêu nhiều nhất bằng thẻ tín dụng ở cửa hàng này. Chúng muốn chọn những người giàu có thực sự làm mục tiêu tiếp theo.
Ngày 16/9/1994, Jijonpa luyện ném thuốc nổ để chuẩn bị giúp Gi-hwan vượt ngục. Bị bỏng trong khi tập luyện, Hyun-yang đến bệnh viện và đưa Jeong-su đi cùng. Sau nhiều ngày ở chung, hắn tin và cho cô cầm 500.000 won cùng điện thoại của Dong-un khi hắn vào phòng khám. Nhận thấy cơ hội, Jeong-su bỏ chạy.
Sau nhiều lần đổi xe vì sợ bị bắt, cô trở lại Seoul, trốn trong một nhà nghỉ ở Yeoksam-dong và gọi cho một đồng nghiệp ở quán cà phê mà cô tin tưởng. Jeong-su được bạn đưa đến đồn cảnh sát.
Hai ngày sau, một sĩ quan đưa cho cô bức ảnh chụp Dong-un, cô xác nhận hắn là thành viên nhóm tội phạm.
Sau khi Jeong-su bỏ trốn, băng nhóm vẫn ở nơi trú ẩn, không sợ bị khai ra vì đã bắt cô gây án chung.
Ngày 19/9, theo chỉ dẫn của Jeong-su, đội điều tra mai phục trên sườn núi ở phía sau ngôi nhà và lập chốt chặn trên đường. Sau bốn tiếng chờ đợi, họ thấy Kang Dong-un lái xe tải đi mua rau, bám theo và bắt giữ hắn trên cánh đồng.
Để dụ băng nhóm sa lưới, đội điều tra gọi điện đến nơi ẩn náu từ đồn cảnh sát gần nhất, nói với Hyun-yang rằng bạn anh ta bị tai nạn giao thông, và họ đã thu được một lượng tiền mặt đáng kể trên xe.
Cả nhóm nghi ngờ nhưng muốn lấy lại tiền nên cử Hyun-yang và Sang-rok cùng đến đồn. Ngay khi Sang-rok bước chân qua cửa, ba sĩ quan xông tới khống chế hắn. Đang ngồi trong xe đợi, Hyun-yang thấy vậy phóng xe bỏ chạy. Hắn bị xe cảnh sát bao vây trước khi kịp chạy tới trạm xăng để tự làm nổ.
Chỉ còn hai tên tội phạm, cảnh sát đến nơi ẩn náu, cho nổ tung cửa trước, bắt Moon-sub trên ghế sofa phòng khách. Byeong-ok chạy ra sau núi và bị hai cảnh sát mai phục truy bắt.
Cảnh sát khám xét ngôi nhà và tìm thấy tất cả dụng cụ dùng để tra tấn và phân xác.
Sau khi bị bắt, chúng dẫn cảnh sát đến nơi chôn Song Bong-un, nơi bán vũ khí, khai ra nhân viên cửa hàng đã bán danh sách cho chúng.
Vụ án Jijonpa trở thành câu chuyện bùng nổ nhất Hàn Quốc khi những chi tiết kinh hoàng được công khai.
Hyun-yang nói với báo chí rằng mục tiêu cuối cùng của chúng là tấn công trụ sở cảnh sát ở Seoul, sau đó chiếm lấy một đài truyền hình bằng vũ lực, phát đi thông điệp chống kẻ giàu trên cả nước rồi tự nổ.
Tất cả thành viên Jijonpa, bao gồm thủ lĩnh Gi-Hwan đang ở trong tù, đều bị kết tội trong cả 5 vụ giết người, cùng với nhiều tội danh khác và bị kết án tử hình. Gi-hwan và các đàn em bị hành quyết vào sáng 2/11/1995.
Bạn gái của Dong-un nhận án 4 năm tù vì tham gia băng đảng. Jeong-su không bị truy tố.
Vụ án Jijonpa truyền cảm hứng cho những tên tội phạm bắt chước. Năm 1996, Choi Jeong-soo, 20 tuổi, tạo ra băng nhóm tương tự, đặt tên là Maggapa, gồm 9 thành viên. Chúng bị bắt vào 29/10/1996, Choi nhận án tử hình.