Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Quốc hội nghiên cứu Luật Xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, dành thêm hai kỳ họp để chuẩn bị, thảo luận.
Chiều 14/6, thảo luận dự luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói một trong các khó khăn khi áp dụng luật là xác định mức độ nào là bạo lực, vì mỗi gia đình, vùng miền có suy nghĩ, quan niệm khác nhau. Chính mỗi thành viên trong gia đình và người xung quanh cũng không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực và va chạm hàng ngày. Cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn để xác định ranh giới vi phạm hình sự hay hành chính.
Trên thế giới, rất ít nước xây dựng Luật Phòng chống bạo lực gia đình mà điều chỉnh theo luật dân sự, hôn nhân gia đình, phúc lợi cho bà mẹ trẻ em hay luật hình sự. Xã hội cũng mong muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, hàn gắn rạn nứt hôn nhân, chữa lành vết thương thể xác và tinh thần, nên theo ông Cảnh “cần có Luật Xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình”.
“Nhiều người mong có được kinh tế như hiện nay, nhưng văn hóa như xưa. Mong muốn này cho thấy văn hóa đang chuyển biến theo hướng tiêu cực. Văn hóa gia đình cần giữ gìn truyền thống tốt đẹp, nhưng phải tiếp thu có chọn lọc văn hóa thế giới và lối sống văn minh”, ông Cảnh nói.
Vị đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng, để giữ gìn truyền thống gia đình, tổ ấm cần có bàn tay phụ nữ. Vợ chồng bình đẳng không phải là cố gắng ngang tài, ngang sức mà đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và thụ hưởng như nhau về thành quả. “Phụ nữ có lúc quên sức mạnh lớn nhất và theo mình cả đời là sự dịu dàng. Đôi khi họ cố gắng thật nhiều để có năng lực khác nhưng không bù lại được kết quả mà sự dịu dàng mang lại cho gia đình”, ông nói.
Theo ông, các gia đình cần bỏ suy nghĩ trọng nam, khinh nữ, phải có con trai nối dõi. Vợ chồng cần kính trọng nhau, nói lời yêu thương, tặng quà dịp quan trọng; sống gần gũi, nhận trách nhiệm, hy sinh cho nhau, làm tròn bổn phận. Cha mẹ nào cũng thương con nhưng chồng tế nhị sẽ quan tâm vợ trước khi quan tâm con để tránh người vợ nghĩ chồng cưới mình về chỉ để sinh con. Vợ quan tâm chồng trước khi quan tâm con để chồng nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm với gia đình.
Trong dự luật Bảo vệ hạnh phúc gia đình, ông Cảnh cho rằng cần quy định thanh niên được tham gia lớp tiền hôn nhân, điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc; vợ chồng được học về sức khỏe sinh sản, nuôi con… “Khi xây dựng gia đình hạnh phúc thì bạo lực sẽ không tồn tại”, ông nói.
Không đồng tình với đại biểu Cảnh, bà Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ “chỉ đúng một phần”. Quan điểm này chưa đủ và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, sự tiến bộ của xã hội.
Cho ý kiến về các hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Cao Mạnh Linh (chuyên trách Ủy ban Tư pháp) cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, trong đó có thể chia thành bốn nhóm gồm hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần, tài sản, tình dục. Để phòng chống hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần có cách thức xử lý phù hợp với từng nhóm, với mức độ nghiêm trọng của từng hành vi.
Tuy nhiên, cơ chế xử lý, xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình chưa phù hợp với tất cả hành vi. Những hành vi bạo lực về kinh tế, tình dục, tinh thần nếu người trong cuộc không báo tin, không tố giác thì sẽ rất khó phát hiện, xử lý. Trong khi đó, với đặc điểm tâm lý, tình cảm gia đình, truyền thống văn hóa của người Việt Nam, nếu chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì việc tố giác ngay đến các cơ quan chức năng như quy định dự thảo sẽ rất khó khả thi.
Theo ông Linh, đa số biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng, chống các hành vi bạo lực về thể chất, chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần, ví dụ cấm tiếp xúc; bố trí nơi tạm lánh; chăm sóc người bị bạo lực… “Cùng một hành vi, nhưng tùy mức độ để có cách xử lý phù hợp, như tổ chức hòa giải trong gia đình, ra tổ dân phố, hoặc yêu cầu người có hành vi bạo lực đến trụ sở công an cấp xã để giáo dục…”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) nêu thực trạng bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình đang tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em năm 2021, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em.
Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Ví như vụ bé gái 8 tuổi ở TP HCM được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong; hay bé gái 3 tuổi ở Hà Nội được đưa đến viện trong tình trạng có 39 chiếc đinh găm vào đầu.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng này là do pháp luật thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt”, bà Thủy nói, nhấn mạnh “một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta”.
Bà nói vào cuộc không bao giờ muộn, đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em; bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình.
Dự luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi lần đầu trình xin ý kiến Quốc hội, dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm.