Ban chấp hành Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung ương xác định ba thành tố này có quan hệ mật thiết, không thể tách rời, trong đó nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Các chính sách pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có sửa đổi pháp luật đất đai nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi.
Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp hai lần giai đoạn 2011-2020; có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống người trồng lúa, trồng rừng.
Nghị quyết nêu rõ, nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đồng thời khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. “Phải bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa”, nghị quyết nêu rõ.
Ban Chấp hành Trung ương khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính…; đồng thời đầu tư, cải tạo, xây mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về trồng trọt, Trung ương xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Quỹ đất chuyên lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, hàng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến được áp dụng, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.
Về chăn nuôi, Trung ương xác định sẽ phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các trang trại, gia trại thân thiện với môi trường; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung; xử lý triệt để tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc. Các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ được ưu tiên do tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi thế cạnh tranh.
Về thủy sản, Trung ương xác địnhphát triển nuôi trồng trên biển và đất liền theo hướng công nghiệp, sinh thái; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, dư lượng kháng sinh.
Về lâm nghiệp, Nhà nước sẽ tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước và làm nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu.
Về diêm nghiệp, Nhà nước đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ, phát triển sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối; có chính sách phù hợp bảo đảm sinh kế, nâng cao thu nhập cho diêm dân.
Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết cấu hạ tầng nông thôn sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị tứ, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị.
Thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới sẽ được ưu tiên phát triển, củng cố và mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Các chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Nhà nước tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Trung ương yêu cầu có chính sách phù hợp đối với xây dựng nông thôn mới ở vùng ven đô thị, đồng bằng, miền núi, biên giới, hải đảo; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện chính sách phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh; tăng cường liên liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.
Nghị quyết Trung ương nêu mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5-6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.
Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
*Toàn văn Nghị quyết 19