Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phải giải quyết bốn vấn đề trước mắt của ngành, liên quan đến Covid-19, thiếu thuốc, hàng loạt nhân viên thôi việc.
Ngày 15/7, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế; Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Y tế. Không xuất phát từ ngành y nên bà Lan nhận thức rõ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn.
Thiếu thuốc diện rộng
Cuối tháng 6, 28 Sở Y tế và 12 bệnh viện Trung ương thiếu thuốc điều trị như biệt dược, thuốc y học cổ truyền, hướng thần, gây nghiện, cấp cứu. 26 Sở Y tế và 15 bệnh viện Trung ương thiếu hóa chất, chủ yếu là hóa chất xét nghiệm. 14 Sở Y tế và 8 bệnh viện trung ương thiếu thiết bị phòng mổ, chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi, tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực…
Tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng từng được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phản ánh tại Quốc hội hồi đầu tháng 6, có bộ trưởng than phiền đi nhiều cửa hàng nhưng không mua được thuốc kháng sinh thông thường. “Đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc là nỗi lo lớn nhất của đa số bệnh viện cả công lẫn tư”, ông Hiếu nêu.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 23/6, nhiều nguyên nhân được chỉ ra, như dịch bệnh làm đứt chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu thế giới tăng. Covid-19 được kiểm soát, bệnh nhân đến khám và điều trị nửa đầu năm 2022 tăng 20-30% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến xác định nhu cầu và kế hoạch mua sắm thuốc của các bệnh viện. Nguyên nhân chính là sau hàng loạt cán bộ vướng lao lý do liên quan đến đấu thầu, mua sắm thiết bị, nhiều cán bộ sợ sai, không dám làm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá thiếu thuốc đang là vấn đề cấp bách cần có giải pháp sớm từ quyền Bộ trưởng Y tế. Nếu để kéo dài, không chỉ gây thiệt hại cho người bệnh mà còn cả bác sĩ, bởi họ không có đủ điều kiện để phát huy năng lực. Lãnh đạo ngành y tế cần sớm công bố đấu thầu tập trung quốc gia với các loại thuốc cơ bản, sẵn có. Với thuốc đặc trị hoặc thiết bị đặc biệt chuyên dụng, Bộ cần giao cho các bệnh viện tự quyết định mua sắm, đầu tư và công khai để giám sát.
Nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công
Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, tập trung nhiều ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Số người thôi việc năm 2021 là 5.200; 6 tháng đầu năm 2022 hơn 4.000, gồm 3.700 người do Sở Y tế quản lý, gần 360 người công tác tại cơ sở thuộc Bộ Y tế.
TP HCM có hơn 400 người nghỉ việc trong quý I/2022; hơn 1.100 người nghỉ việc năm 2021. Hà Nội có hơn 900 người nghỉ việc trong 18 tháng qua.
Lý do chủ yếu là thu nhập của nhân viên y tế khu vực công thấp. Áp lực và cường độ công việc tăng cao khi Covid-19 bùng phát; môi trường làm việc nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhân viên y tế nghỉ việc còn có nguyên nhân từ gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý từ những vụ vi phạm pháp luật trong mua sắm, đấu thầu gần đây… Trong khi đó bệnh viện tư có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực công.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định, vấn đề dịch chuyển nhân lực từ công sang tư không chỉ ngành y phải đối mặt. Bà sẽ chỉ đạo rà soát, phân tích rõ thực trạng này trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, đề xuất quyền Bộ trưởng Y tế tạo kết nối, thúc đẩy sự tham gia của các đơn vị để tạo nguồn lực tăng cường đầu tư về chuyên môn, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc cho các bệnh viện công cần được nâng cấp. Đời sống của cán bộ y tế cần được cải thiện hơn nữa, bởi hiện nay có sự chênh lệch lớn về thu nhập của khu vực công và tư.
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng đồng tình ngoài vấn đề thu nhập, nhân viên y tế thôi việc có nguyên nhân thiếu trang thiết bị để phát huy năng lực nên phải ra bệnh viện tư để có điều kiện hành nghề tốt hơn. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế cần đề xuất cơ chế trao quyền cho các bệnh viện và bác sĩ được sử dụng cơ sở vật chất, phương tiện, thuốc tốt nhất. Như vậy bác sĩ mới yên tâm làm việc và gắn bó với khu vực công.
Covid-19 vẫn khó lường
Dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn quốc, nhưng xuất hiện thêm nhiều biến chủng, biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn. Từ tháng 6, biến thể BA.5 của chủng Omicron (lây lan nhanh hơn, có thể gây bệnh ở người từng nhiễm), đã xuất hiện tại Việt Nam, gây nguy cơ tạo làn sóng dịch mới. Nhiều nước đã ghi nhận biến chủng mới, với hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày.
Bộ Y tế đang xây dựng kịch bản chống Covid-19 theo hai tình huống. Thứ nhất, virus tiếp tục tiến hóa, nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số ca nặng và tử vong thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Thứ hai là xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Dịch có nguy cơ bùng phát mạnh diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Hơn một năm trước, Bắc Ninh là tâm dịch của cả nước, nên quyền Bộ trưởng Y tế hiểu rõ tính khốc liệt của Covid-19 và có kinh nghiệm chống dịch. Tuy nhiên, bà Lan cũng nhận định, Covid-19 còn nhiều yếu tố tiềm ẩn và phức tạp.
Tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 đang bị chậm
Sau khi cơ bản phủ đủ hai liều vaccine Covid-19 cho nhóm dân số từ 12 tuổi, tốc độ tiêm mũi nhắc lại đang chậm lại. Việt Nam đã tiêm được 238 triệu liều vaccine, vượt mục tiêu WHO đặt ra. Nhưng việc tiêm chậm xảy ra ở mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại khiến vaccine bị tồn. Nhiều địa phương thậm chí buộc người dân không tiêm ký cam kết “chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh”.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng nhiều lần bày tỏ lo lắng nguy cơ phải hủy bỏ vaccine nếu các địa phương không đẩy mạnh tiêm chủng. Cuối tháng 6, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang quản lý khoảng 15 triệu vaccine Covid-19, trong khi còn khoảng 16 triệu người cần tiêm mũi 3.
Khi Việt Nam thích ứng an toàn Covid-19, không thể áp dụng các biện pháp hành chính cực đoan, thì tiêm vaccine là giải pháp hiệu quả nhất để chống dịch. Vì vậy, bài toán đặt ra cho quyền Bộ trưởng Y tế là tăng tốc tiêm các mũi nhắc lại, nhất là với nhóm nguy cơ cao, như người bệnh nền, người già, lực lượng tuyến đầu… để duy trì miễn dịch cộng đồng trước biến chủng mới.