Khi Trịnh Công Sơn khóc tâm sự cùng Khánh Ly trong “Em và Trịnh”, giai điệu “Em còn nhớ hay em đã quên” vang lên.
Tác phẩm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang gây chú ý sau gần một tuần công chiếu. Ngoài khâu bối cảnh thập niên 1960-1990, âm nhạc là điểm cộng lớn của phim, nhận nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Nhà sản xuất phim Hoàng Quân đánh giá phần nhạc đậm màu hoài niệm, khơi gợi cảm xúc và giúp đạo diễn cài cắm nhiều ẩn ý.
Nhạc sĩ Đức Trí – giám đốc âm nhạc của dự án – cho biết từ gia tài hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, êkíp chắt lọc gần 40 bài để đưa vào phim. Màu sắc âm nhạc đồng điệu với cuộc đời cố nhạc sĩ ở mỗi giai đoạn: nồng nhiệt, lãng mạn thuở thanh xuân, day dứt, bùng nổ thời bom đạn và bình thản, sâu lắng ở tuổi trung niên.
Tình ca là cầu nối đưa khán giả về vùng hồi ức của nhân vật Trịnh Công Sơn bên các “nàng thơ”. Đầu phim, ca khúc Ướt mi vang lên qua tiếng hát của Nhật Linh – đóng danh ca Thanh Thúy. Khoảnh khắc chàng Trịnh gặp nàng thơ đầu tiên giữa phòng trà Mỹ Cảnh (Sài Gòn) được tái hiện trên nền bản phối piano, gợi âm hưởng cổ điển.
Đạo diễn chọn Ướt mi làm ca khúc mở màn bởi đây là một trong những sáng tác đầu tay của Trịnh Công Sơn, giúp ông ghi dấu vào nền tân nhạc. Sinh thời, cố nhạc sĩ cho biết khi cùng bạn đến phòng trà năm 1958, ông được nghe tiếng hát của một ca sĩ người Huế – Thanh Thúy. Nhạc sĩ ví giọng hát ấy như “một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh”, khiến ông chợt nhớ về “một cõi đời xa xôi”. Ban đầu, êkíp dự định lồng giọng ca sĩ chuyên nghiệp trong phân cảnh của Thanh Thúy. Để tôn sự chân thật, diễn viên Nhật Linh quyết định luyện thanh và tự thể hiện ca khúc.
Trong phim, nhiều bản nhạc Trịnh cũng được trình bày qua nhiều giọng ca nghiệp dư. Khi Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) – người tình của cố nhạc sĩ – hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật, dòng hồi ức ùa về trong tâm trí Trịnh Công Sơn thuở trung niên (Trần Lực đóng). Đoạn Michiko dạo bước cùng Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt, bản Ngẫu nhiên được phối lại đậm chất jazz, cộng hưởng lối dàn dựng theo hướng nhạc kịch.
Lúc chàng Trịnh thời trẻ (Avin Lu) tỏ tình với Dao Ánh, đạo diễn chọn bản thu Nắng thủy tinh của nam diễn viên, khắc họa hình ảnh “lùa nắng cho buồn vào tóc em”. Nỗi nhớ yêu xa cũng được khơi gợi với giai điệu Tuổi đá buồn, khi nhạc sĩ ngồi khắc khoải bên guitar để “ru em bạc lòng”. Những bản thu chú trọng sự mộc mạc để nâng đỡ, đưa đẩy cảm xúc. Qua bàn tay phối khí của Đức Trí, tình ca Trịnh khoác lớp áo mới – trong trẻo, nhẹ nhàng như cơn mưa rào của tuổi trẻ.
Bùi Lan Hương – ca sĩ chuyên nghiệp duy nhất trong phim – góp mặt với vai Khánh Ly. Lan Hương hát nồng nhiệt, say đắm, có phần bản năng như danh ca thuở đôi mươi với tên Lệ Mai. Khoảnh khắc Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn hát Nhìn những mùa thu đi ở quán Tùng, hay cất giọng Hạ trắng giữa vùng đồi núi “trời buồn gió cao”… phần nào tái hiện tuổi trẻ rực lửa của cặp ca – nhạc sĩ huyền thoại. Giọng hát nhân vật Khánh Ly có khi trở thành chất xúc tác cho chuyện tình Trịnh và Michiko, như cảnh cả hai khiêu vũ trên nền ca khúc Tình sầu.
Những đoạn giao hưởng trong phim cũng góp phần lớn trong vai trò tạo hiệu ứng cảm xúc. Nhà soạn nhạc Trần Hữu Tuấn Bách chuyển hóa nhiều bản nhạc Trịnh thành giai điệu không lời giàu hàm ý. Trong cảnh Trịnh Công Sơn trò chuyện cùng Khánh Ly sau hàng chục năm xa cách, giai điệu Em còn nhớ hay em đã quên vang lên da diết khi nhạc sĩ thừa nhận nỗi sợ “bị âm nhạc rời bỏ”. Khúc Tình xa là nỗi đau nhẹ nhàng mà dai dẳng của nhạc sĩ khi chứng kiến “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.
Loạt ca khúc phản chiến khắc họa một chân dung Trịnh khác – yêu hòa bình giữa thời bom đạn. Qua tiếng hát Bùi Lan Hương, giai điệu Ta đã thấy gì trong đêm nay vang lên nhiệt huyết khi phim tái hiện cảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly biểu diễn giữa quán Văn, trước nhiều sinh viên. Đại bác ru đêm – một ca khúc Da Vàng khác – cộng hưởng với phần hình ảnh để khắc họa giai đoạn binh lửa: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”.
Không chỉ sử dụng nhạc Trịnh, êkíp còn viết thêm nhiều đoạn nhạc không lời khác. Cảnh Michiko lần đầu đến TP HCM được lồng ghép giai điệu rộn ràng, gợi hoài niệm về bối cảnh đầu thập niên 1990. Trường đoạn Ngô Kha (Samuel An) diễn thuyết trước sinh viên để phản đối chiến tranh, nhạc sĩ sử dụng nhạc nền hào hùng, bi tráng.
Là một trong những khán giả xem phim sớm, đạo diễn Nam Cito đánh giá phần nhạc do Hữu Bách biên soạn hỗ trợ đắc lực cho bản dựng, giúp chuyển hóa mượt mà các phân cảnh quá khứ – hiện tại.
Dù vậy, ở một số phân đoạn, phim mắc điểm trừ vì lạm dụng âm nhạc. Có lúc, nhạc lặp đi lặp lại theo một công thức: đoạn đầu là tiếng hát diễn viên, sau đó là giai điệu không lời để “mồi” cảm xúc. Thay vì để hình ảnh tự thể hiện, đạo diễn nhiều khi minh họa bằng âm nhạc, tạo cảm giác máy móc. Chẳng hạn, khi trời đổ mưa, nhạc vang lên “trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang”. Xem suất chiếu tối 12/6, khán giả Trung Nguyên (TP HCM) nhận xét: “Nhiều ca khúc bị cắt lưng chừng nên chưa đủ trọn vẹn, thiếu điểm nhấn, đặc biệt với những người thưởng thức phim vì yêu nhạc Trịnh như tôi”.