507 dự án ở Hà Nội đăng ký đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2022, nhưng mới thực hiện được 33 dự án, lý do nhiều quận huyện “có tâm lý e ngại”.
Sáng 6/7, HĐND TP Hà Nội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan khi có 13/25 quận, huyện chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Thu ngân sách từ việc này 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 25% dự toán năm 2022.
Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, khâu xác định nguồn gốc đất rất khó khăn, phức tạp khiến cán bộ cơ sở chưa tự tin. Việc trao đổi qua lại mất nhiều thời gian cũng gây khó cho đấu giá.
Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho thấy, có 507 dự án đăng ký đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2022, với tổng diện tích hơn 422 hecta. Tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến khoảng 38.000 tỷ đồng, được tính toán phân bổ trong phương án tài chính ngân sách của thành phố trong năm 2022. Tuy nhiên, đến nay mới có 33 dự án được đấu giá, thu về hơn 3.100 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân là “tâm lý e ngại của các quận huyện”. Các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thận trọng, cầu toàn. Bên cạnh đó, các công ty tư vấn thẩm định giá hiện đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.
Tại phiên làm việc sáng 6/7, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2022. Nghị quyết nêu các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư; tiếp tục giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường; phòng, chống dịch Covid-19…
Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua danh sách 43 dự án được UBND thành phố trình. Ba dự án chưa xem xét chủ trương đầu tư do chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đó là các dự án: Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất; Xây dựng, hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, khu công nghiệp Dương Xá A, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2) và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy hoạch ở huyện Gia Lâm.
Dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng đường 70 (đoạn từ Trịnh Văn Bô đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm) đã được thống nhất về sự cần thiết đầu tư, nhưng chưa thuyết minh được sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đến năm 2025 của ngân sách thành phố.
Đề cập đến Đường Lâm – ngôi làng cổ “độc nhất vô nhị ở miền Bắc” được công nhận di sản, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn đề xuất HĐND có nghị quyết chuyên đề bảo vệ di tích. Hiện còn một số bất cập như việc giãn dân không thực hiện theo chính sách tái định cư mà vẫn phải đấu giá, nên 10 năm qua không giãn được hộ dân nào. “Nếu không sớm có chính sách bảo vệ, trong tương lai sẽ mất làng cổ này”, ông Tuấn nói.
Đường Lâm là ngôi làng tiêu biểu cho kiến trúc, cảnh quan, nếp sống của vùng Bắc Bộ, còn giữ được hệ thống cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, quán và đặc biệt là hàng trăm ngôi nhà cổ. Năm 2005, làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích quốc gia. Từ năm 2014, thị xã Sơn Tây triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ.